Câu chuyện về “1.000 hoài vọng”

Posted on Danh mục 1 116 lượt xem
(PLVN) – Trên một hành trình gian nan lên Tây Bắc, Hoàng Tôn, người sáng lập “1.000 hoài vọng” đã chia sẻ với chúng tôi về những chuyến đi, những hành trình góp nhặt 1.000 hoài vọng, những câu chuyện truyền cảm hứng mà Tôn đã thực hiện từ ba năm qua…

Bất kỳ ai cũng có thể trao cho người khác niềm tin tuyệt đẹp!

Mới đây, “Mang hạnh phúc về làng” là hoạt động thiện nguyện nằm trong chuỗi những sự kiện chương trình “Hạnh phúc xanh” đã chính thức ra mắt tại TP HCM. Đây là dự án cộng đồng ra mắt sau thành công năm 2019 về chương trình Inspiring Face (Gương mặt truyền cảm hứng). Với thông điệp lan tỏa những câu chuyện, những mảnh đời có thật đã vươn lên từ những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc đời, nhằm truyền cảm hứng về hạnh phúc và nghị lực sống đến với cộng đồng và xã hội.

Hành trình truyền cảm hứng đó bắt đầu từ Hoàng Tôn, nhà sáng lập của dự án. Ba năm qua Hoàng Tôn đã trải nghiệm khắp các vùng miền của Việt Nam để tìm kiếm và lan tỏa những câu chuyện nhân văn giữa đời thường. Từ vùng biên giới đến những hành trình trong bão lụt và trong đại dịch COVID-19… Anh kết nối với nhiều con người tuyệt vời và những con người ấy đã giúp anh hoàn thiện sứ mệnh của mình.

Câu chuyện về “1.000 hoài vọng” ảnh 1
Nguyễn Hoàng Tôn và NTK quốc tế Quỳnh Paris. ( Ảnh NVCC)

“Mang hạnh phúc về làng” lần này chương trình “Hạnh phúc xanh” gắn kết phép màu nhân ái, mang những giọt nước trong lành chứa trọn tình yêu thương đến các buôn làng bản có điều kiện đặc biệt khó khăn. Từ đây kết nối giá trị nhân ái, tạo nền tảng phục vụ cộng đồng, truyền cảm hứng cho gương mặt vượt khó, điển hình trong cuộc sống.

Đồng thời, ra mắt dự án sách “Hành trình truyền cảm hứng”. Quyển sách là hành trình ghi lại những cảm xúc, những bài học, những con người đầy ấm áp trong hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực của dự án Gương mặt truyền cảm hứng mà Nguyễn Hoàng Tôn đã thực hiện trong hơn ba năm qua. Những con người, những câu chuyện mà anh bắt gặp trong hành trình thực hiện dự án của mình đều toát lên niềm tin mạnh mẽ, nghị lực phi thường và truyền cảm hứng cho nhiều người qua cuốn sách Hạnh phúc xanh. Từng trang văn đều được chăm chút tỉ mỉ viết bằng cả trái tim để cảm nhận hết vẻ đẹp chất chứa nhiều thông điệp thúc đẩy văn hoá đọc. Đồng thời các câu chuyện có tính nhân văn, góp phần thay đổi suy nghĩ – hành động. Cụ thể là mang lại hạnh phúc xanh cho các trẻ em mồ côi vì COVID-19 tại địa bàn TP HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Phước, kết nối nguồn lực để hỗ trợ, động viên nhiều hoàn cảnh để vượt qua khó khăn, lan tỏa văn hóa đọc…

Với ý nghĩa từ những câu chuyện từ đời thường, hành trình thay đổi tư duy kinh doanh của một người từng lầm tưởng nhiều thứ về kinh doanh và mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình, gieo những hạnh phúc ấy cho những người xung quanh.

Đơn cử, Á quân Gương mặt truyền cảm hứng Trần Kim Thoa chia sẻ, có một sự thật rằng chẳng cần phải là một người nổi tiếng hay có hàng triệu người hâm mộ thì mới có thể là người truyền cảm hứng. Có thể là chính bạn, người được truyền cảm hứng ngày hôm nay hay một cô học sinh nghèo với vẻ ngoài bình thường nhưng sở hữu đam mê lớn hay một anh công nhân vệ sinh suốt ngày dãi nắng dầm mưa ngoài đường. Hay một người âm thầm làm từ thiện suốt nhiều năm tháng. Bất kì ai mà có thể trao đi nguồn năng lượng tích cực và trao cho người khác một niềm tin nào đó thật đẹp, giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống – đó sẽ là một người truyền cảm hứng.

Có thể là chính bạn người được truyền cảm hứng ngày hôm nay hay một cô học sinh nghèo với vẻ ngoài bình thường nhưng sở hữu đam mê lớn hay một anh công nhân vệ sinh suốt ngày dãi nắng dầm mưa ngoài đường. Hay một người âm thầm làm từ thiện suốt nhiều năm tháng, bất kì ai mà có thể trao đi nguồn năng lượng tích cực và trao cho người khác một niềm tin nào đó thật đẹp, giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống, đó sẽ là một người truyền cảm hứng.

Thoa kể câu chuyện của mình: “Đó là một buổi tối ngày 22/4/2017. Trong hơn hai năm ấy, từ vị trí giám đốc kinh doanh của một tập đoàn nội thất xây dựng lớn, tôi trở thành một người thất nghiệp; từ có nhà ở với hai đứa con gái xinh xắn, tôi phải thuê nhà trọ với bụng mang dạ chửa bé thứ ba và dắt theo bé thứ hai còn nhỏ xíu vẫn đang bú mẹ đi khắp mọi nơi. Từ một viên chức cấp cao mỗi tháng chờ lương về tài khoản, tôi phải buôn bán kiếm từng đồng. Đã có những lúc tôi trầm cảm muốn nhắm mắt ngủ và không bao giờ thức dậy.

Tôi đã phải đi gặp bác sĩ tâm lý để điều trị, đã tham gia những khoá tu và học thiền để tĩnh tâm lại. Sau vài tháng phục hồi lại được tâm lý, tôi bắt đầu vay mượn để mở một cửa hàng để kinh doanh các sản phẩm tôi đã thiết kế và bán online trước đó là địu vải cho trẻ sơ sinh và thời trang thiết kế cho bà mẹ sau sinh cho con bú. Tôi xây dựng được thương hiệu riêng cho mình và phục vụ những khách hàng là bà mẹ sau sinh và đang cho con bú như tôi.

Khách hàng yêu mến tôi, giúp đỡ tôi, gọi tôi với cái tên là “Mẹ sề” và ưu ái tặng tôi thêm cái tên là một sứ giả sữa mẹ vì những cống hiến của mình trong việc sẻ chia sữa mẹ. Tôi đã và đang duy trì nuôi con bằng sữa mẹ trong nhiều năm đầu đời và hiện đang nuôi bú song song 1 bé 51 tháng tuổi và 1 bé 27 tháng tuổi. Nuôi hai bé nhưng tôi vẫn dư sữa để vắt tặng các bé nhỏ khác, tôi lập ra tủ sữa mẹ miễn phí ngay gần Bệnh viện Từ Dũ để nhận gửi và trao tặng hàng ngàn lít sữa mẹ từ các mẹ tình nguyện khác trao cho hàng trăm em bé nhỏ. Tiếp xúc với hàng ngàn các bà mẹ trong cộng đồng mà chúng tôi gọi nhau là “mẹ sữa – những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ”, chia sẻ giọt sữa của mình cho các em bé nhỏ, kết nối để nhận và trao tặng hàng ngàn lít sữa mẹ hoàn toàn miễn phí, tôi thấy mình có ý nghĩa với cuộc sống này lắm.

Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ tạo thêm động lực cho những người mẹ gặp phải hoàn cảnh như tôi, chỉ cần suy nghĩ tích cực, đồng cảm và sẻ chia vô điều kiện, bạn sẽ rất hạnh phúc và bình an”.

Hành trình được viết tiếp

Hoàng Tôn chia sẻ, hành trình sẽ đi cùng hàng loạt các dự án về bảo tồn di sản văn hóa, trẻ em, chăm sóc sức khỏe, đi tìm những giá trị nhân văn và hướng tới một Việt Nam đáng sống. “Với ước vọng lưu truyền, phát triển rực rỡ các giá trị truyền thống đã tạo động lực giúp chúng tôi xây dựng nên hành trình này – Hành trình tìm về cội nguồn, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc vươn xa một cách tự nhiên và tuyệt vời nhất ra cộng đồng”.

Đó là hoài vọng giữ gìn, bảo tồn và mong muốn lan tỏa giá trị tích cực về văn hóa nghệ thuật truyền thống, mang những giá trị hạnh phúc chân thành, bền vững, những kỷ niệm đẹp đến tất cả mọi người. Đó là sự kết nối, niềm cảm hứng bất tận của những nghệ nhân thông qua những câu chuyện làm nghề còn chưa được kể…

Câu chuyện về “1.000 hoài vọng” ảnh 2
Hành trình “Hạnh phúc xanh – nghĩa tình biên giới”. ( Ảnh NVCC)

Theo Hoàng Tôn, người có ảnh hưởng lớn nhất để anh từ một người trẻ với những dự án theo hướng nhân văn, đi tìm bản ngã là cuộc gặp gỡ với Giáo sư Phan Văn Trường. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh. Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2010. Ông là tác giả của những quyển sách giá trị, tái bản nhiều lần như: “Một đời thương thuyết”; “Một đời quản trị”, “Một đời như kẻ tìm đường”…

Giáo sư đã khởi xướng hệ sinh thái Cấy Nền từ giữa năm 2019. Đến nay hệ sinh thái này đã kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên nhiều khía cạnh. Ở đó, mọi người được nghe chuyện của cô gái trẻ vì thương những nghệ nhân nghèo khó mà tìm cách phát triển làng nghề, đưa những sản phẩm lụa Việt đi muôn nơi; là chuyện của một cán bộ Nhà nước làm thêm việc đi trồng rau vì muốn dân mình được ăn rau sạch; là chuyện nữ doanh nhân thành công với sữa hạt cùng khát khao mang đến sức khỏe cho người Việt…

Đã có biết bao nhiêu những buổi trò chuyện như vậy. Sau 3 năm, Cấy Nền đã trở thành hệ sinh thái kết nối hàng chục nghìn người Việt ở trong nước và khắp nơi trên thế giới. GS Phan Văn Trường bảo chính ông cũng bất ngờ khi có nhiều người Việt đến với Cấy Nền như thế. Trong khi, việc tạo dựng Cấy Nền được bắt đầu từ ý tưởng giản dị: Mỗi tháng một vài lần, ông dành tặng 48 giờ đồng hồ của mình để chia sẻ những ý kiến riêng “với tinh thần trách nhiệm và tâm hồn trong sáng” cho những bạn trẻ muốn hỏi những câu hỏi triết lý sống và phát triển nghề nghiệp.

“Tôi đã gặp những bạn trẻ vô cùng thông minh, vô cùng trí tuệ, vô cùng hiếu học, vô cùng chăm chỉ, nhưng mà cứ đi sai đường. Những bài học trong Cấy Nền không phải là bài học của một tổ chức, bài học của một lớp người mà đây chỉ là chia sẻ của một người mà ai đến có thể vì yêu và lấy được một chút năng lượng nào đó. Tôi dạy cho các em có trái tim để yêu, có tấm lòng để trắc ẩn và tay, chân để làm từ thiện. Thế thôi!”, GS Phan Văn Trường giải thích ngắn gọn.

Hiện GS Phan Văn Trường, NTK Quỳnh Paris và một số nhà văn hóa, nghệ sỹ có sức ảnh hưởng lớn đã đang đồng hành cùng “1.000 hoài vọng” vì một Việt Nam đáng sống. Ở đó, mỗi người sẽ tìm thấy hạnh phúc, những giá trị nhân văn cho riêng mình, qua những hội ngộ, chia sẻ, lắng nghe và chung tay gìn giữ những điều tốt đẹp…

Vệ sinh công nghiệp

Là đơn vị có thâm niên trong ngành vệ sinh công nghiệp, chúng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi thi công dịch vụ, với nhưng kinh nghiệm đó giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian thi công cũng như công đoạn vì vậy giá thành luôn được đảm bảo tốt nhất.